Chuông cỡ lớn tại chùa thường được gọi là Đại hồng chung ("Đại" đã là to, mà "hồng" lại cũng có nghĩa là to lớn nữa, nhưng mang hai nghĩa hơi khác nhau. Hồng ở đây mang tính to lớn trừu tượng, tâm linh hơn đại). Chuông lớn còn có tên là U minh chung. Cũng có những chuông nhỏ hơn theo hình dáng giống đại hồng chung thường dùng khi làm lễ, tiếng cũng không ngân dài như đại hồng chung.

Trong chùa còn có một loại "chuông" đặc biệt nữa gọi là chuông gia trì, giống như cái ang bằng đồng để ngửa, khi dùng dùi gõ vào cũng tạo tiếng kêu ngân nga, tiếng cao hay trầm, ngân lâu hay không đều có hình dáng, độ dày, chất liệu đồng đúc lên. Chuông gia trì luôn để ở nơi ngồi tụng kinh hành lễ trước bàn thờ, phía bên trái, đối xứng với mõ.

Mõ nguyên bản là dụng cụ gõ báo thời gian, canh giờ gọi mọi người làm một việc gì đấy. Từ việc dùng mõ gọi các nhà tu hành đến giờ lên tu tập hành lễ, hoặc đi ăn (thụ trai), dần chuyển thành thứ pháp khí dùng khi làm lễ. Nếu mõ xưa chỉ gõ một vài hồi để thông báo, thì nay được gõ đều đặn trong suốt thời gian đọc kinh. Tiếng mõ tốc tốc trở thành âm thanh đặc trưng quen thuộc của chùa.


Mõ bên tay phải, và chuông gia trì bên tay trái